Tàu sân bay Liêu Ninh, nơi vừa diễn ra cuộc thử nghiệm bí mật khiến 2 phi công thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc ngày 27/8 đưa tin: "Hai phi công thử nghiệm của phi đội đã hi sinh mạng sống trong các cuộc thử nghiệm". Tuy nhiên, không có thêm thông tin chi tiết nào được đưa ra về các phi công tử nạn và thời điểm cuộc thử nghiệm.
Thông tin được tiết lộ khi báo chí Trung Quốc đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký lệnh tuyên dương phi đội vì đã tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm cất cánh và hạ cánh đối với máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay.
Hãng AP đưa tin các cuộc thử nghiệm loại này đặc biệt nguy hiểm, từ trước tới nay các chuyến bay thử nghiệm thường được thực hiện một cách bí mật và việc phi công tử nạn cũng không được thông báo.
Tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc. Tàu sân bay này có chiều dài 300m, đây là tàu sân bay cũ của Liên Xô được Trung Quốc mua của Ukraine. Tàu sân bay này được biên chế trong hải quân Trung Quốc từ tháng 9/2012.
Hồi tháng 4/2014, tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada) đưa tin Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đóng thêm 3 tàu sân bay nội địa nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến tranh chấp biển đảo.
Tạp chí này cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay trực thăng Izumo đã trở thành yếu tố sống còn của Hải quân PLA và Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trển biển Hoa Đông.
Theo Kanwa Defense Review, để đối phó với Nhật Bản trong trường hợp xảy ra giao tranh, PLA đã lên kế hoạch đóng thêm ít nhất 3 tàu sân bay dự theo thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh.
Tuy nhiên, hồi tháng 2/2014, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từng bác bỏ thông tin Trung Quốc lên kế hoạch đóng thêm tàu sân bay.
>>>Xem thêm: Báo Trung Quốc doạ Việt Nam bằng hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh