Seatimes – Trong suốt lịch sử của mình, Mỹ đã sử dụng các hoạt động quân sự bí mật của mình để lật đổ hoặc hỗ trợ các chính phủ nước ngoài dưới danh nghĩa bảo vệ các lợi ích kinh doanh và chiến lược của Mỹ.
Sự can thiệp của Mỹ vào các chính phủ nước ngoài bắt đầu bằng các cuộc tấn công và di dời các quốc gia bộ lạc có chủ quyền ở Bắc Mỹ. Vào những năm 1890, Mỹ tiếp tục lật đổ Vương quốc Hawaii và sáp nhập cả các đảo này vào Mỹ. Khi Mỹ sáp nhập nhiều lãnh thổ hải ngoại hơn cho đế chế của mình, quốc gia này bắt đầu can thiệp thường xuyên vào chính phủ của các quốc gia khác, đặc biệt là những chính phủ được gọi là sân sau của Mỹ.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ bắt đầu sử dụng Cơ quan Tình báo Trung ương mới thành lập (CIA) để lật đổ các chính phủ trên toàn thế giới một cách bí mật hơn. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã hợp lý hóa nhiều can thiệp này bằng lý do là cần thiết để ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản theo lý thuyết Domino của Chiến tranh Lạnh. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo của Mỹ sau này khi can thiệp vào Trung Đông đã lấy lý do là chống khủng bố.
1. Hawaii năm 1893
Vào tháng 1/1893, một nhóm nhỏ các chủ đồn điền và doanh nghiệp da trắng do Sanford B. Dole lãnh đạo và được Đại sứ Mỹ tại Hawaii, John Stevens hỗ trợ ngầm, đã tiến hành đảo chính lật đổ Nữ hoàng Liliʻuokalani. Ngày 01/02, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Đại sứ John Stevens đã công nhận chính phủ mới của Dole và tuyên bố Hawaii thuộc bảo hộ của Mỹ. sau đó, Dole tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Hawaii độc lập thuộc bảo hộ của Mỹ.
Năm 1898, chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ nổ ra. Lúc này, tác dụng chiến lược của căn cứ hải quân Trân Châu Cảng đã thuyết phục Quốc Hội chấp thuận sáp nhập. Hai năm sau, Hawaii chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Mỹ và tới năm 1959 thì trở thành bang thứ 50 của nước ngày.
Năm 1993, một thế kỷ sau cuộc đảo chính, chính phủ Mỹ chính thức xin lỗi người Hawaii bản địa vì đã lật đổ chế độ quân chủ của họ và sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của họ mà không có sự đồng ý hoặc bồi thường cho người Hawaii bản địa.
2. Cuba 1933
Năm 1898, cùng năm Mỹ sáp nhập Hawaii, người Mỹ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha và điều này đã giúp họ kiểm soát đảo Guam, Puerto Rico và Philippines, đồng thời là cái cớ để bắt đầu chiếm đóng quân sự tại Cuba. Sau khi Tổng thống Theodore Roosevelt khẳng định quyền can thiệp quân sự của Mỹ vào Mỹ Latinh từ năm 1904, Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự thường xuyên hơn vào các quốc gia thuộc khu vực Caribe, bao gồm Cộng hòa Dominica, Nicaragua, Mexico, Haiti, Honduras và Cuba.
Sau khi công nhận Cuba là một quốc gia độc lập vào năm 1902, Mỹ đã rút quân khỏi nước này với lời cảnh báo sẽ vẫn can thiệp quân sự để bảo vệ lợi ích của Mỹ trong tương lai. Trong ba thập kỷ tiếp theo, Mỹ thường xuyên xâm lược Cuba và các quốc gia Caribe khác trong cái gọi là “Cuộc chiến chuối”, để giúp dập tắt các cuộc đình công và cách mạng của người lao động đang đe dọa các doanh nghiệp sản xuất đường, trái cây và cà phê do Mỹ sở hữu.
Năm 1933, Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính của nhà lãnh đạo quân sự Fulgencio Batista nhằm lật đổ chính phủ Cuba. Ngày 1/1/1959, Fidel Castro lật đổ Batista bằng bạo lực và thành lập chế độ cộng sản đầu tiên ở Tây bán cầu. sau đó, Tổng thống John F. Kennedy đã cố gắng lật đổ chính phủ của Fidel trong cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn năm 1961. Cuộc đảo chính thất bại này không chỉ thể hiện thái độ đế quốc đang diễn ra của Mỹ đối với các nước láng giềng phía nam mà nó cũng cho thấy một cánh tay can thiệp mới hơn đó là Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
3. Iran 1953
Sau khi Mỹ thành lập CIA vào năm 1947, họ bắt đầu sử dụng cơ quan này để lật đổ hoặc hỗ trợ các chính phủ nước ngoài theo một cách bí mật hơn nhiều. Trước Thế chiến thứ hai, Mỹ đã không cố gắng che giấu sự can thiệp của mình vào các chính phủ nước ngoài. Nhưng với sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ trở nên lo ngại hơn nhiều về việc che giấu hành động của mình trước Liên Xô.
Năm 1953, CIA đã dàn dựng một cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng được bầu cử dân chủ của Iran là Mohammad Mosaddegh, nhằm củng cố quyền lực cho Shah (vua) của Iran là Mohammad Reza Pahlavi. Các tài liệu được giải mật của CIA tuyên bố cuộc đảo chính được biết đến với tên gọi nội bộ là Chiến dịch Ajax được thiết kế để ngăn chặn “sự xâm lược của Liên Xô” có thể xảy ra ở Iran, nhưng nhà sử học người Mỹ gốc Iran Ervand Abrahamian đã lập luận rằng động cơ thực sự liên quan nhiều hơn đến việc đảm bảo lợi ích dầu mỏ của Mỹ.
4. Guatemala 1954
Năm 1954, CIA dàn dựng một cuộc đảo chính khác nhằm vào một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ là Tổng thống Guatemala Jacobo Árbenz. Cuộc đảo chính của CIA, có mật danh là Chiến dịch PBSuccess, đã thay thế tổng thống bằng nhà độc tài quân sự Carlos Castillo Armas với danh nghĩa ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, động lực chính của CIA để lật đổ Árbenz là lo sợ rằng những chủ trương cải cách ruộng đất của ông sẽ đe dọa lợi ích của United Fruit Company thuộc sở hữu của Mỹ, công ty sở hữu 42% đất đai của quốc gia và không phải trả thuế.
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Eisenhower có quan hệ mật thiết với công ty: Ngoại trưởng John Foster Dulles từng làm việc cho công ty luật United Fruit của Mỹ và anh trai của ông, giám đốc CIA Allen Dulles có ghế trong hội đồng quản trị của công ty.
5. Công gô 1960-1965
Năm 1960, Cộng hòa Congo (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) tuyên bố độc lập khỏi Bỉ và bầu thủ tướng đầu tiên một cách dân chủ, Patrice Lumumba. Ngay sau khi ông nắm quyền, Tổng thống Joseph Kasavubu đã đẩy ông ra khỏi chức vụ trong bối cảnh quân đội Bỉ trở lại xâm lược. Lo lắng rằng tình trạng bất ổn sau đó sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho cuộc xâm lược của Liên Xô, CIA đã khuyến khích và hỗ trợ các nỗ lực giết Lumumba, cho rằng ông ta là một nhà lãnh đạo cộng sản giống như Castro. CIA đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc bắt giữ Lumumba vào năm 1960 và ám sát vào năm 1961.
Hành động này dẫn đến Khủng hoảng Congo (1960-1965), thời kỳ mà nhà lãnh đạo quân sự Mobutu Sese Seko củng cố quyền lực trong nước. Năm 1965, CIA ủng hộ cuộc đảo chính của Mobutu để chiếm Cộng hòa Congo với danh nghĩa ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Mobutu trở thành một nhà độc tài cai trị đất nước cho đến năm 1997.
6. Chính quyền Sài Gòn (Nam Việt Nam) 1963
Thời báo New York đã tiết lộ những chi tiết chấn động về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, khi xuất bản chúng vào năm 1971. Một tiết lộ là CIA đã tài trợ cuộc đảo chính năm 1963 chống lại và ám sát tổng thống của Chính quyền Sài Gòn khi đó là Ngô Đình Diệm.
Đến năm 1965, Mỹ đã gửi hàng ngàn lính Mỹ sang Việt Nam để chống lại chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Mỹ ban đầu ủng hộ ông Diệm vì ông ta đang chiến đấu với miền Bắc. Tuy nhiên, việc đàn áp Phật tử của Diệm đã khiến ông trở thành một nhà cai trị không được lòng dân, khiến chính quyền Kennedy nghi ngờ khả năng chiến thắng trong cuộc chiến của Diệm. Cuộc đảo chính và vụ ám sát ông Diệm diễn ra vào đầu tháng 11/1963, chỉ vài tuần trước vụ ám sát Kennedy.
7. Chi-lê 1973
Khi Chile bầu chọn nhà xã hội chủ nghĩa Salvador Allende làm tổng thống vào năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ban đầu muốn ngăn cản ông nhậm chức, nếu không sẽ tổ chức một cuộc đảo chính ngay sau khi Allende trở thành tổng thống. Theo lệnh của Nixon, CIA bắt đầu hỗ trợ các nhóm đối lập ở Chile âm mưu lật đổ tổng thống xã hội chủ nghĩa mới. Năm 1973, nhà lãnh đạo quân sự Augusto Pinochet tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ Allende. Pinochet đảm nhận chế độ độc tài của mình vào năm sau, cầm quyền với tư cách là tổng thống Chile cho đến năm 1990.
Liệu CIA có trực tiếp tham gia vào cuộc đảo chính của Pinochet hay không vẫn còn đang gây tranh cãi. Tuy nhiên, việc cơ quan này ủng hộ các âm mưu đảo chính trước đó đã góp phần gây ra bất ổn chính trị mà Pinochet đã lợi dụng để nắm quyền.
8. Nicaragua 1981-1990
Mỹ có lịch sử can thiệp lâu dài vào Nicaragua. Giữa năm 1912 và 1933, quân đội Mỹ chiếm đóng đất nước. Giữa năm 1981 và 1986, chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã bán vũ khí một cách bí mật và bất hợp pháp cho Contras, một nhóm mà CIA đã tuyển dụng và tổ chức để chống lại chính phủ xã hội chủ nghĩa Sandinista do Daniel Ortega lãnh đạo. Năm 1986, các chi tiết của Vụ Contra được công khai, dẫn đến các cuộc điều tra của quốc hội. Chính phủ Sandinista của Ortega kết thúc vào năm 1990 với việc ứng cử viên đối lập Violeta Chamorro được bầu làm tổng thống trong bối cảnh có báo cáo rằng Mỹ đã tài trợ để giúp bà giành chiến thắng.
9. Áp-ga-ni-xtan 2001
Khi Mỹ xâm lược Afghanistan vào năm 2001, họ đã thành lập một chính phủ lâm thời do Hamid Karzai lãnh đạo để thay thế chính phủ Taliban đang gây chiến và Liên minh phương Bắc đối lập. Karzai tiếp tục cầm quyền vào năm 2002, khi ông trở thành người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp của Afghanistan và vào năm 2004, khi ông trở thành tổng thống của Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn. Cho đến năm 2014 Ashraf Ghani lên thay thế và là tổng thống cho đến khi Taliban giành lại quyền lực vào năm 2021, khi Mỹ chính thức kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan.
10. I-rắc 2003
Năm 2003, Mỹ xâm lược Iraq và lật đổ chính phủ của Saddam Hussein. Như ở Afghanistan, Mỹ đã cố gắng thành lập một chính phủ lâm thời, chuyển tiếp và lâu dài hơn. Mỹ chính thức kết thúc cuộc chiến ở Iraq vào năm 2011. Kể từ đó, cơ cấu chính phủ của quốc gia này vẫn thay đổi liên tục và đầy bất ổn.
Ngoài những cuộc đảo chính tiêu biểu trên, Mỹ đã tiến hành rất nhiều các cuộc đảo chính khác trên khắp thế giới. Hậu quả của những cuộc đảo chính là thường làm xáo trộn tình hình chính trị của đất nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và thường theo hướng tiêu cực, đồng thời gây bất ổn cho khu vực và các quốc gia xung quanh. Chính vì vậy việc tăng cường an ninh quốc phòng, cũng như xây dựng thế trận toàn dân là rất quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của quốc gia, trực tiếp góp phần ngăn chặn những cuộc đảo chính trong tương lai.
Hoàng Hạnh / Theo Tạp chí ĐNÁ